Ai như chị Mậu thương người…
Ai như chị Mậu thương người…
QĐND Online – Rất khó để nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin tự làm ra vật chất nuôi sống mình. Song, nếu biết cách tổ chức, được hỗ trợ của những người có “tâm”, điều này hoàn toàn có thể làm được. Bện bèo, trồng nấm, hay chăn nuôi…là những công việc nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin có thể làm ra sản phẩm, giúp vơi đi khó khăn vốn luôn chất chồng.
Một ngày đầu đông, rét ngọt, mưa giăng trắng đồng, tới thăm và trò chuyện với chị Đỗ Thị Mậu, Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tôi mới hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, hành động giản dị, chân thành của một con người rất đỗi bình thường, nhưng việc chị làm được thật ý nghĩa.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Mậu khẳng định, nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin hoàn toàn có thể làm được những công việc thủ công nếu được hướng dẫn, kèm cặp một cách phù hợp. Bằng chứng chị đưa ra là thành công của lớp dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin tại huyện Yên Mô, một dự án do Quỹ cựu chiến binh Mỹ (VVAF) tài trợ. 30 học viên là nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin bị khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ sau khi học nghề bện bèo trong 3 tháng đã có thể tự làm ra sản phẩm.
Để “mắt thấy tai nghe”, chúng tôi “thâm nhập” gia đình chị Mậu để tìm hiểu cặn kẽ hơn câu chuyện nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin có thể tự làm ra tiền.
Trong số hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin ở xã, gia đình chị Mậu vốn được coi là “khá”. Song, tới gia đình mới rõ hai mẹ con chị còn nhiều vất vả lắm. Căn nhà nhìn bề ngoài tạm ổn, nhưng trong “ruột” cũng chỉ có bộ bàn ghế xoàng, chiếc ti-vi và một cái tủ nhỏ. Chị Mậu cho biết, gia đình chị có hai thế hệ nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin. “Khi đi thanh niên xung phong, thấy bom nổ, rồi khắp người ướt sũng hóa chất màu nâu hồng, đâu có biết là chất độc da cam đi-ô-xin. Sau này có chính sách của Nhà nước cho đi khám, lúc đó mới biết mình đã bị nhiễm chất độc chết người”, chị Mậu nói.
Bèo lấy về, đem phơi để bện.
Kể về những hội viên khác, khuôn mặt khắc khổ, vẻ mặt đượm buồn, chị Mậu cho biết: “Làm công tác Hội, đi nhiều, tìm hiểu nhiều mới thấy nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng lắm. Ở xã Khánh Dương này, hậu quả chất độc da cam/ đi-ô-xin để lại thế hệ thứ hai, thứ ba thậm chí còn nặng nề hơn thế hệ thứ nhất”. …Chị Mậu tâm sự: Tôi cũng như những người đồng ngũ, đồng đội, khi còn ở chiến trường, gian khổ vất vả bao nhiêu cũng chịu được, nhưng quả thật, hòa bình rồi mà phải chứng kiến cảnh các cháu sinh ra dị tật, thiểu năng trí tuệ, thật vô cùng đau lòng”.
Tay thoăn thoắt bện bèo, chị Mậu tiếp mạch câu chuyện: Năm 1972 chị tham gia lực lượng thanh niên xung phong phục vụ tại chiến trường Quảng Trị. Chồng cũng là bộ đội, bị thương ở chiến trường, mức thương tật 3/4 và đã mất năm 2006. Hiện chị sống cùng cô con gái cũng nhiễm chất độc da cam/ đi-ô-xin. “Nhà chỉ có hai mẹ con, hoàn cảnh thì éo le. Đời người phụ nữ như tôi chỉ được quyền làm mẹ, không được quyền làm bà nội, bà ngoại. Cả đời người chỉ được sống với một đứa con”, chị Mậu tâm sự.
Nhắc tới những đứa con, đôi mắt chị thoáng buồn, rơm rớm, nhưng dường như giọt nước mắt không thể trào ra được nữa, chị kể: Ba lần sinh, giờ chỉ còn cháu Hằng. Cháu sinh năm 1976, nhưng mãi tới năm 1979 cháu mới biết đi. Lúc nhỏ chỉ ngồi lê hết chỗ này tới chỗ khác, chả nói gì. Với riêng cháu Hằng, gia đình cũng mất nhiều tiền lắm, đi khắp các bệnh viện mới giữ được sự sống cho cháu. Cháu bị thiểu năng trí tuệ. 8 năm đi học cũng chỉ biết được 24 chữ cái, còn chưa thuộc hết số, và không biết tiêu tiền. “Trước kia khi chưa ai biết chất độc da cam/ đi-ô-xin là gì, thấy gia đình tôi sinh con bị tật hay chết, làng xóm nghi kỵ, ăn ở thế này thế khác, cũng khổ tâm lắm”, chị Mậu nhớ lại.
Tâm sự về gia cảnh hiện tại, chị Mậu cho biết, nhà có ba sào ruộng, nhưng sức khỏe hai mẹ con đều yếu, muốn làm cũng không làm được, cho người làng làm hộ, mỗi vụ trả 50 cân thóc một suất ruộng. Trợ cấp cũng không đủ chi tiêu, khổ nhất là khi cả hai mẹ con ốm đau. “Tiền của cháu phục vụ mình cháu không đủ. Mỗi khi ốm đau lại phải vay mượn”, chị Mậu buồn rầu nói.
Trong lúc khó khăn, rất may Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin huyện Yên Mô nhận được dự án do VVAF tài trợ cho hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin học bện bèo. Trên cương vị là Chi hội trưởng, chị Mậu đã ý thức được đây là công việc phù hợp với nạn nhân ở vùng quê này. Chính vì vậy chị đã tích cực vận động những nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin có hoàn cảnh khó khăn đi học để có một cái nghề, từ đó kiếm được “đồng ra đồng vào”. “Bản thân tôi đã thấu nỗi khổ, chỉ mong muốn giúp đỡ được nhiều người có cùng hoàn cảnh”, chị Mậu vui vẻ chia sẻ với thành viên đoàn công tác tới kiểm tra dự án.
Bà Sẻ (bên trái) và chị Mùi (bên phải) tới học và làm tại nhà chị Mậu.
Công việc bện bèo, nếu so với nhiều nghề khác không phải là nhiều tiền, song, như mẹ con chị cũng đan được khoảng 20 đến 30 quại, một quại là 10 mét. Mỗi quại nếu tự lấy bèo và tự phơi thì được 3.500 đồng. Còn nếu nhận bèo từ các đại lý thì chỉ có 1.600 đồng/quại. Về cơ bản không quá khó đối với một người bình thường. Song với nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin, để làm được đẹp, nhanh, hàng không bị lỗi là cả một sự khổ luyện, phải hướng dẫn tỉ mỉ.
Sau khi những hội viên đầu tiên có được công việc “tạm ổn”, chị Mậu lại tích cực vận động những người đã biết nghề, truyền nghề cho hội viên khác. Bản thân chị Mậu cũng trở thành “giáo viên” bất đắc dĩ. Chị Mậu cho biết, mỗi ngày chị đều bớt chút thời gian tới thăm gia đình các hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin và những người từng tham gia TNXP như chị. Những kiến thức học được từ lớp học chị truyền cho người dân trong xóm, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập. Căn nhà đơn sơ của chị Mậu cũng trở thành một lớp học. “Nhiều hàng xóm đến đây học nghề không phải thành viên của hội nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin, song tôi vẫn dạy và truyền nghề cho tất cả những ai có nhu cầu học nghề này”, chị Mậu nói.
Bà Ngoan trong căn nhà có chiếc giường là quý nhất.
Chị Mậu cho biết, từ ngày có nghề bện bèo, tối nào nhà cũng đông vui lắm, tranh thủ lúc chưa cấy, tranh thủ vận động chị em trong xóm tới nhà để học. Ở đây có sẵn bèo rồi, mỗi người đi học chỉ cần mang theo một cái kéo. Trong căn nhà bà Mậu hôm ấy còn có chị Phạm Thị Mùi. Tuy không phải là nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin, song chị cũng qua nhà chị Mậu học bện bèo. Đến giờ chị đã bện thành thạo và đã có thu nhập. “Đến nhà bác Mậu làm vừa vui lại vừa được hướng dẫn, sửa chữa những lỗi sai”, mắt chị Mùi ánh lên niềm vui khi nói về người hàng xóm tốt bụng.
Hỏi chuyện bà Đinh Thị Sẻ, người cùng xóm với chị Mậu, được biết, bà từng là TNXP tại chiến trường đường 9 Nam Lào và cũng là một nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin. Mới đây, được chị Mậu vận động đi học lớp bện bèo, bà rất vui vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Bà Sẻ tâm sự: “Sức khỏe tôi giờ đã yếu, chẳng làm được việc nặng, lúc nhớ lúc quên, con cái đều đi làm cả ngày, chồng thì đã mất…may mà có những người tận tâm như chị Mậu giúp đỡ từ việc nhỏ đến việc lớn”. Bà Sẻ trìu mến nói về người hàng xóm: “Mọi chuyện nhờ bác Mậu hết”.
Chị Mậu vui vẻ cho biết: Ngày nào cũng chật nhà. Những chị em có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu không làm được việc nặng, ai muốn học ngề bện bèo đều được hướng dẫn tận tình. Giờ có nhiều chị “say” nghề lắm. “Có nghề bện bèo này, chị em trong xóm mỗi khi có việc là có một khoản tiền nhỏ, đỡ phải bán lúa, bán gạo. Đồng tiền thậm chí quay vòng rất tốt. Lấy tiền bện bèo mua cám để chăn nuôi, tiễn lãi đã giúp nhiều gia đình giải quyết được khâu “vốn” để sản xuất”.
Căn nhà "trống trơn" của ông Lập, bà Ngoan.
Việc làm nhỏ của chị Mậu nhưng lại có ý nghĩa lớn và rất phù hợp với nhiều người dân ở vùng quê nghèo này. Qua câu chuyện với chị Mậu và những người hàng xóm mới biết, vì phải tham gia công tác xã hội nhiều, vì vậy chị Mậu không làm được nhiều sản phẩm như những người khác. Nhưng chị vẫn rất vui vì đã có thêm nhiều người có thu nhập từ “nghề” mà chị đã giúp họ học được. Điều lớn hơn mà chị nhận được đó là sự tin tưởng, yêu thương, đùm bọc của những nạn nhân cùng cảnh ngộ, của bà con lối xóm. Chị Mậu cho biết: Những nạn nhân vốn bị thiểu năng đến tiền cũng không phân biệt được, như con chị, giờ đã bện được bèo, sản phẩm được chấp nhận, thật vô cùng có ý nghĩa. Công lao ấy đâu phải của riêng chị, mà có công rất lớn của những người hàng xóm và nạn nhân cùng cảnh ngộ, những người đã sát cánh chia sẻ, giúp đỡ chị thật lòng như khi chị giúp họ.
Gia đình vất vả như vậy, nhưng chị Chi hội trưởng gương mẫu, như cách gọi của nhiều hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin xã Khánh Dương, vẫn luôn tìm mọi cách để hội viên của Hội bớt khổ. Chị Mậu cho biết, chị đang vận động các nhà tài trợ, huy động nguồn lực từ chính quyền địa phương để mở một lớp dạy chăn nuôi như nuôi gà, bò hoặc lợn. “Từ mô hình thành công của lớp học đan bèo, các nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin mong muốn có thêm nhiều lớp học thiết thực hơn, ngay cả các tổ chức khác cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm”, chị Mậu cho biết.
Để chứng minh sự thành công ấy, chị Mậu đưa đoàn công tác tới nhà hội viên An Viết Lập (thôn Tam Dương, xã Khánh Dương), một gia đình vô cùng khó khăn. Ông Lập đi bộ đội từ năm 1964 đến 1982, chiến đấu khắp chiến trường ở Lào. Vợ ông, bà Trần Thị Ngoan cũng là thanh niên xung phong. Giờ ông bà đã gần 70 tuổi nhưng phải nuôi ba cô con gái đều thiểu năng trí tuệ.
Trong căn nhà mà thứ giá trị nhất là hai chiếc giường, ba cô con gái không chào, chả hỏi; cô mải miết bện bèo; cô ngước mắt nhìn vu vơ, nửa như sợ sệt…rồi chạy vụt vào căn buồng tối om, cũng chả có gì ngoài một thùng đựng thóc và vài cái bát…Bà Ngoan kể cho chúng tôi về cơ sự tại sao ông bà lại nghèo thế…Tổng cộng 6 lần sinh nhưng chỉ còn ba cô con gái sống được. Cảnh nhà khó khăn, căn nhà do ông bà để lại giờ đã xiêu vẹo cũng không có tiền sửa. Ông Lập thì có chế độ nạn nhân chất độc da cam /đi-ô-xin, nhưng vợ và con ông thì không. Vậy là năm miệng ăn chỉ trông vào ông.
“Khổ lắm, cả ba đều lớn sàn sàn như nhau, nhưng dọn cơm không biết lấy đủ bát, quần áo cũng chỉ mặc được vài ngày rồi lại vất, chả biết đâu mà tìm… Ba chị em ngủ chung một giường, đánh cãi nhau là “chuyện thường”. Nhiều khi nhìn các con thương lắm. Chả biết làm sao, vợ chồng chỉ biết động viên nhau, giữ gìn sức khỏe để lo cho các cháu…Khổ nhất với vợ chồng tôi là không biết sau này các cháu sẽ sống như thế nào…”, ông Lập buồn buồn nói về gia cảnh.
Người con gái thứ hai của ông Lập và bà Ngoan.
Biết rõ hoàn cảnh ông Lập như vậy nên Chi hội trưởng Mậu cũng dành nhiều sự quan tâm nhất. Mới đây khi cơn bão số 8 quét qua Ninh Bình, chị đã vài lượt “phóng xe” đến tận nhà ông Lập để định cùng ông chằng chống nhà cửa, nhưng ông Lập đâu cho chị làm. “Bà là đàn bà, bà về lo việc nhà bà đi, khổ thân có hai mẹ con…”, ông Lập cảm động nhớ lại hành động của chị Mậu.
Nhận xét về chi hội trưởng Mậu, ông Lập cho biết: Chị Mậu thực lòng lắm, hay đi thăm hỏi hội viên. Thấy nhà ai có hoàn cảnh khó khăn chị đều hỏi han tỉ mỉ, vận động hội viên trong Chi hội cùng giúp đỡ…Bà Ngoan cho biết: chính bà Mậu là người đến tận nhà vận động cả ba cháu đi học. Các cháu ban đầu không đi đâu, nhưng nhờ có bà Mậu vận động, nói ngọt với các cháu, các cháu thích mới đi đấy.
Còn ông Đinh Văn Sung, một cựu chiến binh từng 5 lần bị thương, Hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin huyện Yên Mô, kể ngắn gọn: Chị Mậu à, nhiều “chức vụ” đoàn thể lắm đấy. Thương người lắm, nhất là chị em từng là TNXP, nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin. Công tác trên lĩnh vực nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân, cán bộ tín nhiệm. “Trước kia nhà còn nuôi gà con, giao gà cho người ta đến khi gà lớn, đem bán rồi trả tiền cũng được, chả tính toán lờ lãi gì. Thậm chí còn cho vay thêm”, ông Sung tự hào khi nói về chị Mậu.
Cô con gái cả của gia đình ông Lập. Sau này con chị Mậu, con ông Lập không biết sẽ ra sao…
Ngày đầu đông rét ngọt, mưa giăng trắng đồng, sải bước trên đường làng hun hút gió, chị Mậu tâm sự: Chỉ day dứt duy nhất một điều, sau này con chị, con ông Lập không biết sẽ ra sao…
Ai như chị Mậu thương người…
Reviewed by Lisa D. Richard
on
8:02 PM
Rating:
No comments