Cảm động chuyện tình da cam

Cảm động chuyện tình da cam

Vợ chồng anh Trung, chị Thu chia vui với mọi người trong lễ cưới năm 2006.
Vợ chồng anh Trung, chị Thu chia vui với mọi người trong lễ cưới năm 2006.
GiadinhNet – Nâng ly rượu mừng, miệng ai cũng cười nhưng sống mũi cay cay khi nghĩ đến chặng đường đầy chông gai của đôi vợ chồng trẻ.
Cô dâu cao 80cm, chú rể chân yếu, lại chỉ có một tay khỏe mạnh nhưng vẫn bồng cô dâu trong đám cưới để nhận lời chúc phúc của mọi người.
Đơm hoa tình yêu  từ chiếc Chaly 3 bánh  
Trong ngôi nhà tình nghĩa nhỏ chừng 20m2 mà Công ty Viễn thông Quân đội Viettel xây tặng, chúng tôi cảm nhận thấy một cuộc sống hạnh phúc giản dị của cặp vợ chồng là nạn nhân chất độc da cam, anh Trần Ngọc Trung (28 tuổi) và chị Trần Thị Xuân Thu (33 tuổi) ở thôn Phú Lai, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Nhắc lại về tuổi thơ của mình, chị Thu chia sẻ: Lúc sinh ra, chị chỉ nặng chưa đến 1kg nhưng tay chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng có điều lạ là sau những tháng năm dài bố mẹ nhọc công nuôi nấng, chị chẳng chịu lớn. Năm 18 tuổi, cả người chị Thu cao chỉ được 0,8m.
Không muốn “ăn bám” bố mẹ, chị Thu xin phép vào TP Tam Kì bán vé số, sau đó vào Sài Gòn mưu sinh với rất nhiều nghề: Rửa chén bát, bưng bê ở các quán ăn, lượm ve chai… Khi tích lũy cho mình được một ít tiền, chị Thu tự tìm đến bệnh viện để kiểm tra xem mình có khả năng làm mẹ hay không.  “Niềm vui của tôi vỡ òa khi được các bác sĩ thông báo có khả năng làm mẹ như bao cô gái khác. Dù lúc đó không dám mơ tưởng đến một tình yêu đôi lứa như bao người bình thường”, chị Thu xúc động kể lại.
Chán cảnh rong ruổi kiếm sống, chị Thu quyết đi học để lấy một cái nghề. Tình cờ  trong lúc đi học, chị Thu đã gặp được người bạn đời của mình. Anh Trung cũng là nạn nhân da cam, cơ thể phát triển như người bình thường nhưng hai chân rất yếu, tay trái của anh lại bị teo nhỏ, không thể cử động cầm nắm vật gì. Hằng ngày, anh phải cuốc bộ hơn 10km từ nhà xuống trung tâm TP Tam Kì để học nghề sửa chữa điện tử. Trên con đường đất đỏ bất kể ngày nắng mưa, hình ảnh một chàng trai tật nguyền lê những bước chân nặng nhọc khiến chị Thu chú ý. Anh Trung cũng để ý một người con gái nhỏ xíu trên chiếc Chaly ba bánh đi cùng hướng với mình nên xin quá giang đi cùng.
Thế là hằng ngày, trước ngã ba gần nhà chị Thu, người ta quan sát thấy hai con người tật nguyền chở nhau đi học việc. Năm năm, trên từng vòng xe ba bánh của chiếc Chaly, họ kể nhau nghe về nỗi đau bệnh tật, về hoàn cảnh gia đình, ước mơ vươn lên… Rồi cả hai đồng cảm, yêu thương lúc nào không hay biết.
Chú rể  “bồng”  cô dâu  tiếp khách
Rằm Trung thu năm 2005, đám cưới Trung – Thu diễn ra trong niềm vui mừng của gia đình hai bên và hàng xóm kéo đến rất đông để xem cô dâu tí hon đứng trên ghế cùng chú rể thắp hương cho ông bà. Rồi chú rể còn “bồng” cô dâu đi tiếp khách. Miệng ai cũng cười nhưng sống mũi cay cay.
Khi biết tin hai anh chị đến với nhau, gia đình anh Trung đã kịch liệt phản đối, đến mức anh Trung phải nói: “Nếu cha mẹ không cho chúng con cưới nhau thì chiếc chaly ba bánh sẽ là mái nhà, là hành trình của hai chúng con. Xin cha mẹ đừng chia cắt”. Chính lời nói tận sâu đáy lòng đầy cảm động của con trai đã làm cha mẹ rơi lệ. Anh chị đã được gia đình cả hai chấp thuận làm đám cưới.
Đầu năm 2006, cả hai vợ chồng đón niềm vui mừng khôn xiết khi chị Thu có thai, con trai đầu lòng được đặt tên là Trần Ngọc Bình (hiện đang học lớp 1A, Trường tiểu học Phan Đình Phùng). Năm 2007, niềm vui nhân đôi khi chị Thu sinh tiếp đứa con gái đặt tên là Trần Thị Xuân Thủy (đang học mẫu giáo nhỏ Trường mầm non Hoa Mai).
Sau khi cưới cũng là lúc khóa học nghề kết thúc, chị Thu đi xin việc ở các xí nghiệp, nhà may nhưng không được chấp thuận vì quá nhỏ bé, sợ không đảm đương nổi dây chuyền. Có được ít vốn, vay mượn thêm bạn bè người thân chị Thu mua một chiếc máy may về sửa chữa quần áo cho người dân trong xóm, kiếm ít tiền chăm lo cuộc sống. Anh Trung cũng vậy, học nghề sửa chữa điện tử nhưng không tìm được việc, anh về phụ giúp chị thu gom, phân loại đồ để chị sửa cho nhanh. Bà con hàng xóm biết hai vợ chồng tật nguyền vất vả cực khổ nên xa mấy cũng động viên đem đồ hư đến cho anh chị sửa. Chị Thu chia sẻ: “Mỗi ngày hai vợ chồng sửa cao nhất cũng được 30 ngàn, có anh ấy phụ giúp thì nhanh hơn rồi nghỉ sớm chăm sóc cho hai con. Tuy kiếm được ít thôi nhưng hai vợ chồng có nhau. Nhiều lần thấy anh ấy sửa quần áo cũng tội lắm, nói thật là tôi cũng mong anh có được nơi nào đó nhận làm. Mong sao hai đứa con được chăm sóc đầy đủ hơn, không cực khổ như hai vợ chồng”.
Hằng tháng, vợ chồng anh chị cũng nhận được 980 ngàn đồng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, số tiền đó dành hết để lo cho hai con đi học. Thương cha mẹ vất vả, không được như người bình thường, hai đứa con anh chị đều chăm ngoan, cố gắng học rất giỏi. “Ngọc Bình học được thầy cô khen nhiều lắm, đi họp phụ huynh làm tôi luôn tự hào. Chính hai con là niềm tin, động lực để hai vợ chồng cố gắng lao động dù cuộc sống còn lắm khó khăn thiếu thốn”, anh Trung cầm quyển sổ liên lạc cười vui khoe với chúng tôi.
Chia tay gia đình trong một chiều muộn, chúng tôi thấy cả nhà bên bữa cơm đạm bạc chỉ có cà chấm tương và rau luộc nhưng tiếng nói cười vui vẻ khiến ai cũng ghen tị với hạnh phúc giản dị đơn sơ ấy. Rồi mai đây còn lắm lo toan vất vả nhưng anh chị sẽ không bao giờ thôi cố gắng như tình yêu đầy mãnh liệt ở trong hai con người tật nguyền đã đơm hoa kết trái.

Cảm động chuyện tình da cam Cảm động chuyện tình da cam Reviewed by Lisa D. Richard on 8:03 PM Rating: 5

No comments