Chuyện về người triệu phú “tật nguyền”
Chuyện về người triệu phú “tật nguyền”
Nhìn anh Chu Đình Kế, 41 tuổi, thôn Trung, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên dùng cánh tay bị teo quắp lại nâng phần thân dưới di chuyển thoăn thoắt qua các bậc thềm từ nhà xuống sân, chúng tôi thầm khâm phục nghị lực phi thường của người đàn ông bị tật nguyền. Càng thêm cảm phục hơn khi biết, dù cơ thể bị dị tật bởi chất độc da cam, anh vẫn vượt qua bao khó khăn, mặc cảm, vươn lên trở thành triệu phú, mà mọi người vẫn thường gọi vui là triệu phú “Kế gà”.
Một tuổi thơ “sứt sẹo”…
Về xã Đồng Than, hỏi thăm nhà triệu phú “Kế gà”, tôi được người dân nơi đây nhiệt tình hướng dẫn. Một người đàn ông tên Dụy nhanh miệng cho biết: “Hỏi triệu phú “Kế gà” ở vùng này ai chả biết! Anh ấy tuy bị dị tật nhưng hiền và tốt bụng lắm. Nhà anh ấy ở làng dưới, cách đây hơn 2km, để tôi đưa anh đi cho đỡ mất công hỏi thăm”. Thế là tôi theo người đàn ông tốt bụng đến nhà anh Kế. Ngay từ đầu ngõ, đã nghe thấy những âm thanh hỗn hợp từ các chuồng gà. Trong nhà, tôi thấy có khoảng 3-4 người đang rôm rả trò chuyện. Anh Kế ngồi giữa, thấp hẳn xuống so với mọi người, đang vui vẻ tiếp khách. Rót xong chén nước mời tôi, anh Kế bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện “kỳ diệu” về cuộc đời mình.
… “Mình bị tật nguyền từ nhỏ, do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Ông trước đây tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường phía Nam, hiện vẫn đang được hưởng trợ cấp do bị nhiễm chất độc da cam”. Rồi anh Kế kể tiếp câu chuyện bằng giọng trầm buồn: Khi mới lọt lòng, mình đã bị dị tật bẩm sinh, chân tay co quắp và dần dần teo liệt. Nhà mình nghèo lắm, nên bố mẹ đã phải cậy nhờ họ hàng, làng xóm giúp đỡ, nhưng vẫn đành bất lực trước căn bệnh quái ác. Tuổi thơ của mình gắn liền với những lần ngã lăn lóc, thân thể rớm máu, đầy sứt sẹo”.
Ngồi bên giường, bà Lê Thị Lý (74 tuổi), mẹ anh Kế quay sang góp chuyện: “Từ bé, Kế đã có nghị lực hơn người. Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách tới trường, cu cậu cũng đòi đi học bằng được. Bố mẹ suy nghĩ, đến người lành đi học còn đã khó, con mình đi chẳng vững, đi học làm sao? Vậy nhưng khuyên bảo thế nào cũng không được”.
Nghe mẹ kể về mình lúc tuổi thơ, anh Kế nhìn tôi cười: “Quyết tâm là vậy, nhưng cũng chỉ được gần một năm học mẫu giáo thôi anh ạ. Có mấy cậu bạn cùng xóm quý mến vẫn hay qua nhà cõng mình đi học. Nhưng sau đó, không chịu nổi vất vả, bạn bè cũng đành… bỏ cuộc”.
Không được cắp sách tới trường, phải chịu thua thiệt so với bè bạn, nhưng cậu bé Kế quyết sống tự lập, không muốn trở thành gánh nặng của gia đình. Tất cả những việc sinh hoạt cá nhân Kế đều cố gắng tự làm lấy. Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần, ngoài tự chủ được các sinh hoạt của bản thân, cậu bé Kế còn tham gia giúp gia đình được những công việc vặt như quét nhà, quét sân, cho gà, vịt ăn. Lớn lên một chút, anh bắt đầu xem bố, anh trai làm mộc rồi học làm theo. Rồi cuộc đời của anh bắt đầu rẽ sang một trang mới, nhiều thăng trầm nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc, khi anh gặp được người bạn đời của mình.
Người triệu phú tốt bụng, thật thà!
Khi trò chuyện với tôi, anh Kế vẫn không dám tin rằng, với cơ thể dị tật như thế, anh lại lấy được vợ và giờ đã làm bố của 3 đứa con (2 gái, 1 trai) khỏe mạnh, lành lặn và đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Quả thật, hạnh phúc đến với chàng trai tật nguyền Chu Đình Kế “đẹp như mơ” khi cô gái xã bên tên là Trương Thị Bích, do cảm phục nghị lực, bản lĩnh của chàng thanh niên tật nguyền đã đem lòng yêu thương và đồng ý cùng anh nên duyên chồng vợ. Năm 1999, đám cưới của họ diễn ra giản dị, nhưng được coi là sự kiện “kỳ diệu” của vùng, khiến bao người ngưỡng mộ. Có vợ, anh Kế bắt đầu tính toán làm ăn lớn hơn, quyết tâm làm giàu để không phụ sự tin tưởng, yêu thương của vợ. Nhận thấy công việc làm mộc vất vả, anh quyết định vay vốn của gia đình để chăn nuôi lợn thịt. Sau đó, giá thịt lợn giảm, chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh dịch lại cao, nên anh chuyển sang nuôi gà, phù hợp với sức mình hơn. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm vài chục gà mái ta. Sau khi đã rút được kinh nghiệm, anh bắt đầu nâng dần số lượng gà nuôi. Không muốn để vợ phải vất vả, tất cả việc chăn nuôi anh đều đảm nhiệm, chị Bích chỉ phụ trách việc đồng áng, chăm sóc con cái, duy trì sinh hoạt của gia đình.
Có được chút tiền lãi, anh tiếp tục mở rộng mối quan hệ, đi tham quan các mô hình chăn nuôi lớn để học làm trang trại. Không tự mình đi lại được, anh Kế nhờ người thân, bạn bè chở đi. Nhiều người nhận thấy nghị lực của anh nên cảm phục, nhiệt tình giúp đỡ. Quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy giống gà Đông Tảo, gà Hồ dễ nuôi, giá trị kinh tế lại cao. Sau khi tính toán, anh quyết định nuôi thử giống gà này rồi mở thêm các gian chuồng nuôi theo kiểu trang trại, từ gà mái đến gà con, gà thịt. Ngoài kinh nghiệm học hỏi từ các hộ dân, anh tích cực sưu tầm sách báo, tài liệu, xem các chương trình giới thiệu, hướng dẫn trên truyền hình để nâng cao kiến thức. Gần đây, nhận thấy nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trong khu vực ngày càng cao, có người phải mang đi ấp trứng thuê cách nhà rất xa, đi lại vất vả, anh quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng và mở đại lý bán cám, vừa phục vụ bà con, vừa tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Lúc mới xây lò ấp, anh phải thuê thợ kỹ thuật về để vận hành, nhưng sau một thời gian “học lỏm”, anh đã tự làm chủ kỹ thuật. Lò của anh hiện nay phục vụ nhu cầu thường xuyên của hơn chục hộ gia đình trong thôn và cả các thôn bên cạnh. Do có uy tín nên mặc dù trong địa bàn có trên chục hộ mở lò ấp nhưng nhà anh lúc nào cũng đông khách. Từ chỗ chỉ có vài chục con gà, đến nay, trang trại của anh Kế nuôi hàng nghìn con gà thịt, cho thu nhập từ gần 500 triệu đồng/năm. Chưa kể, mỗi tháng, anh còn thu thêm hàng chục triệu đồng từ tiền ấp gà thuê và bán thức ăn gia cầm…
Có được chút tiền lãi, anh tiếp tục mở rộng mối quan hệ, đi tham quan các mô hình chăn nuôi lớn để học làm trang trại. Không tự mình đi lại được, anh Kế nhờ người thân, bạn bè chở đi. Nhiều người nhận thấy nghị lực của anh nên cảm phục, nhiệt tình giúp đỡ. Quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy giống gà Đông Tảo, gà Hồ dễ nuôi, giá trị kinh tế lại cao. Sau khi tính toán, anh quyết định nuôi thử giống gà này rồi mở thêm các gian chuồng nuôi theo kiểu trang trại, từ gà mái đến gà con, gà thịt. Ngoài kinh nghiệm học hỏi từ các hộ dân, anh tích cực sưu tầm sách báo, tài liệu, xem các chương trình giới thiệu, hướng dẫn trên truyền hình để nâng cao kiến thức. Gần đây, nhận thấy nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trong khu vực ngày càng cao, có người phải mang đi ấp trứng thuê cách nhà rất xa, đi lại vất vả, anh quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng và mở đại lý bán cám, vừa phục vụ bà con, vừa tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Lúc mới xây lò ấp, anh phải thuê thợ kỹ thuật về để vận hành, nhưng sau một thời gian “học lỏm”, anh đã tự làm chủ kỹ thuật. Lò của anh hiện nay phục vụ nhu cầu thường xuyên của hơn chục hộ gia đình trong thôn và cả các thôn bên cạnh. Do có uy tín nên mặc dù trong địa bàn có trên chục hộ mở lò ấp nhưng nhà anh lúc nào cũng đông khách. Từ chỗ chỉ có vài chục con gà, đến nay, trang trại của anh Kế nuôi hàng nghìn con gà thịt, cho thu nhập từ gần 500 triệu đồng/năm. Chưa kể, mỗi tháng, anh còn thu thêm hàng chục triệu đồng từ tiền ấp gà thuê và bán thức ăn gia cầm…
Đang nói chuyện với tôi, thì điện thoại đổ chuông, anh Kế xin lỗi khách, anh vừa dùng cánh tay cong queo, lúc lắc quặp điện thoại áp vào tai nghe, rồi tay kia quài chiếc bút, ghi nắn nót các số liệu vào cuốn sổ đã cũ. Thấy tôi nhìn với ánh mắt ngạc nhiên, anh cười giảng giải: “Hồi bé, có cậu bạn thân thương mình không được đi học nên cứ tranh thủ giờ đi chăn trâu là hướng dẫn mình tập viết, tập đọc. Nhờ “học lỏm” mà bây giờ mình đọc thông, viết thạo, làm phép tính trong phạm vi hàng triệu!”. Tôi cũng biết thêm, nhờ “học lỏm” mà hiện nay, anh đã tự học được cách phòng bệnh, chữa các bệnh thường gặp cho gia súc, gia cầm. Nhiều trường hợp gà bị bệnh lạ, người dân quanh khu vực đều phải đến nhờ anh “trợ giúp” hoặc tư vấn qua điện thoại.
Trò chuyện với anh một lúc mà câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi có khách đến. Có những nông dân từ Hải Dương, Hà Tây… nghe lời đồn về anh nên tìm đến. Mỗi lần khách đến, anh lại chuồi người xuống đất, thoăn thoắt di chuyển tấm thân ngắn cũn ra khu chuồng nuôi. Với bất cứ người khách nào, anh cũng nở nụ cười thân thiện chào đón, tận tình giảng giải, hướng dẫn. Chào khách về rồi, anh Kế tiết lộ thêm: “Nếu việc chăn nuôi thuận lợi, sắp tới mình sẽ thuê đất, mở thêm 1 hoặc 2 lò ấp nữa. Nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trên địa bàn vẫn còn rất nhiều, mình mở rộng chăn nuôi, ấp trứng cũng là để giúp đỡ bà con làm giàu..”. Vừa nói đến đó thì ngoài cổng có tiếng khách gọi. Anh Chu Đình Thiên, người cùng làng, là khách quen của anh Kế lại gần tôi “khoe”: “Trước đây khi mới chập chững chăn nuôi, tôi bị thất bại mấy lần, tưởng sạt nghiệp. Nhờ anh Kế giúp đỡ, tận tình hướng dẫn, giờ trang trại nhà tôi nuôi tới 2 nghìn con gà, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều gia đình trước đây chủ yếu chăn nuôi thủ công, nhờ học hỏi mô hình của anh, đều chuyển sang chăn nuôi gà theo quy mô trang trại, số hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm lên tới vài chục hộ. Những người mang ơn anh Kế ở khu vực này nhiều lắm”. Tôi đưa mắt nhìn sang anh Kế, bắt gặp anh đang đưa cánh tay ngắn cũn lên gãi gãi đầu, gương mặt hiền lành, chất phác hơi ửng đỏ, có lẽ anh ngượng khi được khen.
Chia tay triệu phú tật nguyền mà lòng tôi trào dâng niềm cảm phục. Trên đường trở ra, trong tôi vẫn văng vẳng câu nói của anh lúc chia tay: “Điều đáng sợ nhất của con người là bị “tật nguyền” về ý chí, nghị lực, tâm hồn. Chỉ cần có ý chí, niềm tin và động cơ trong sáng, dù bị thiệt thòi, khiếm khuyết về thân xác, người ta vẫn có thể sống có ích, làm đẹp cho mình, cho đời”…
Chuyện về người triệu phú “tật nguyền”
Reviewed by Lisa D. Richard
on
8:20 PM
Rating:
No comments